0379891288
+0379 89 12 88
word image 14

Hình ảnh những mái đao đình cong vút gắn những bức phù điêu con giống đã in sâu vào tiềm thức mỗi người dân Việt Nam như một sợi dây liên kết giữa truyền thống và hiện đại, gửi gắm niềm tự hào về thế hệ cha ông.

Từ lâu, hình ảnh mái đao cong với hoạ tiết phù điêu trang trí trên mái đã trở thành biểu tượng của các công trình truyền thống mang đậm dấu ấn văn hoá lịch sử như đình chùa, đền thờ, dấu tích phủ quan… Đặc trưng này không chỉ giúp tổng thể kiến trúc trở nên mềm mại, tráng lệ, tăng tính thẩm mỹ cho công trình mà còn có nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ toàn công trình, giúp những ngôi đình, chùa trụ vững hàng trăm năm.

word image 2

Mái đao cong đình Chu Quyến – Một trong những ngôi đình Bắc Bộ cổ nhất Việt Nam

Theo ông Lê Thái Bình – Chuyên gia văn hoá đồng thời là người sáng lập Nam Viên Zen Art – đơn vị thiết kế và thi công nhà gỗ cổ truyền lâu năm: “Kiểu thiết kế mái cong trong các kiến trúc đình, chùa và nhà gỗ cổ truyền Việt Nam xuất hiện từ rất lâu đời. Kiến trúc mái cong này giúp nước mưa thoát nhanh hơn mà không bị ảnh hưởng tới phần chân tường, cột, hỗ trợ rất nhiều trong việc tăng tuổi thọ của công trình. Ở những nước châu Á như Trung Hoa hay Nhật Bản thì phần dọc mái chùa được uốn cong theo phương pháp “chồng đầu tiếp đuôi” và hớt cong nhẹ ở góc mái, phần diềm mái thường được chạm trổ, trang trí sơn vẽ họa tiết hoa mỹ rực rỡ. Còn tại Việt Nam, mái nhà cổ nói chung và mái đình, chùa nói riêng được làm theo phương pháp “tàu đao lá mái”, tức là góc mái sẽ làm cong uốn ngược (gọi là đao quật), phần mái lớn, chiếm 2/3 chiều cao mặt đứng công trình, triền mái thẳng, không cong, hếch lên ở góc mái tạo sự thanh thoát. Mái làm theo kiểu kiến trúc kẻ chuyền bấy góc, không xoè quá rộng như kiến trúc mái Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản…”

Bên cạnh hoạ tiết trang trí trên các cấu kiện nhà gỗ, phần trang trí trên mái và đầu đao các công trình tâm linh như Đình, Đền, Chùa Việt thường xuất hiện các con giống như Rồng, Phượng, Lân, Cá Chép, Long Mã, Cá Chép Hoá Rồng, Xi Vẫn… hay vân mây, hoạ tiết hoa lá, tứ linh hoá cách điệu thể hiện quyền uy và nguyện ước mong cầu sự may mắn, bình an, mưa thuận gió hoà cho muôn dân.

word image 3

Hình tượng con giống và tứ linh hoá trên mái đao nhà cổ

Khác với lối trang trí màu sắc rực rỡ ở mái đao như Trung Quốc hay Hàn Quốc, người Việt sử dụng chất liệu đất nung hoặc hợp chất vữa vôi truyền thống để tạo hình phù điêu trang trí thể hiện tính trang nghiêm của công trình và cũng bộc lộ tính cách giản dị đặc trưng vốn có của dân tộc.

Ông Bình cho biết, trong những thập niên 80 trở về trước, khi xi măng còn là loại vật liệu khan hiếm, người xưa thường sử dụng đất nung hoặc hợp chất vữa vôi được pha trộn từ nước ô dước + mật đường + bột đá gạc nai với vỏ sò ốc + bông gòn + bột giấy để tạo hình phù điêu trang trí trên mái đao. Để có hợp chất vữa vôi này, người ta cho giấy dó, bông gòn đem ngâm vào lu đựng nước ô dước và mật đường rồi bỏ hỗn hợp cùng bột đá gạc nai với vỏ sò ốc biển bỏ vào cối đá, thợ dùng mái dầm xới trộn cho thật nhão đều, không được khô, dùng chày gỗ giã. Thời gian giã kéo dài vài giờ. Lúc đầu hợp chất còn nhão, sau thời gian giã sẽ khô bớt lại và dẻo, có thể kéo dài thành sợi. Kỹ thuật pha chế phải đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt, thời gian hoàn thành chỉ trong 4 – 6 tiếng, nếu làm không đúng tỷ lệ và thời gian tiêu chuẩn sau khi đắp khô trên phù điêu sẽ xuất hiện vết rạn nứt, bể vỡ.

Sau này, dưới thời Nguyễn, nghệ thuật khảm trở nên phát triển, người ta đã sử dụng nghệ thuật khảm sành sứ trang trí cho cung điện, lăng tẩm, đền điện trong kinh thành Huế. Cung đình Huế trở thành biểu tượng mỹ thuật tinh hoa mà sau này người ta gọi đó là Mỹ Thuật Huế. Trong sách “Phủ Biên tạp lục”, Lê Quý Đôn mô tả Phú Xuân vào đầu thế kỷ XVIII như sau: “…Nơi đây cung điện, lầu gác, mái lớn nguy nga, đài cao sặc sỡ, tường bao quanh, cửa bốn bề chạm khắc, vẽ vời khéo léo vô cùng…Tường trong, tường ngoài đều xây dày mấy thước, lấy vôi mật và mảnh sứ đắp thành hình rồng, phượng, lân, hổ, cỏ hoa…”.

word image 60

Mái đao khảm sành – 1 trong những biểu tương kiến trúc đặc sắc của cung đình Huế

Tuy vậy, đất nung và vữa vôi vẫn là chất liệu được sử dụng xuyên suốt trong nghệ thuật trang trí đầu đao của các công trình nhà gỗ Bắc Bộ cũng như nhà Rường Nam Bộ đến tận bây giờ.

word image 4

Họa tiết rùa trên mái đao biểu tượng cho sự trường thọ được phác hoạ lại qua tác phẩm “Nghệ thuật Huế” (L’Art à Hué) của nhà Việt Nam học Léopold Cadière.

Bên cạnh phù điêu trang trí, ngói cũng là yếu tố quyết định đến tính thẩm mỹ của mái. Ngói thường được sử dụng trên mái đình, chùa Việt có thể là ngói âm dương (ngói lưu ly) hoặc ngói mũi hài (ngói vảy). Trong đó thì ngói mũi hài có từ khoảng niên đại TK XIII – XIV, thường được ứng dụng trong các công trình kiến trúc dân gian của Việt Nam, loại ngói này có phần đầu bo tròn, ở giữa có một phần cong lên và thu gọn lại giống như mũi của một chiếc giày thời xưa. Còn ngói âm dương có nguồn gốc từ Trung Quốc, được ứng dụng cũng khá phổ biến ở các công trình kiến trúc truyền thống trên khắp đất nước Việt Nam, loại ngói này được cấu thành từ ngói âm và ngói dương xếp đan xen nhau nằm ở phần hình chóp cụt của mái, ưu điểm là có độ bền cao, mang đến sự thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Mái chùa ở Việt Nam chủ yếu sử dụng loại ngói mũi hài, còn loại ngói âm dương xuất hiện nhiều tại các ngôi chùa ở Hàn Quốc, Nhật Bản…

Nhờ đặc điểm cấu tạo kiến trúc uyển chuyển cong vút lên ở các góc đầu đao này mà tổng thể kiến trúc dày và nặng trên hệ thống cột bề thế, chắc nịch trở nên thanh thoát tinh tế. Điều này cho thấy sự khéo léo tinh tế và bàn tay khối óc tài hoa của người xưa.

word image 61

Bản vẽ mái đao Đền Trần – 1 dự án của Nam Viên Zen Art.

Qua hàng nghìn năm, hình tượng mái đao cong vút trong nhà gỗ cổ truyền đã được thay đổi và phát triển qua việc phối hợp giữa kiến trúc cổ truyền với vật liệu hiện đại. Nhưng hồn cốt cùng nét đẹp tinh tế ấy vẫn được lưu giữ trong tiềm thức của người Việt. Kiến trúc nhà cổ truyền thống với mái cong cũng dần tối giản với nhiều hình dáng từ hơi cong tới phẳng dần nhưng nhà gỗ – mái đao như một sợi dây liên kết giữa truyền thống và hiện đại gắn kết con người Việt với tổ tiên ngàn đời. Đó là bởi niềm tự hào của lớp trẻ hôm nay dành cho thế hệ cha ông đi trước, cũng chính là lời nhắc nhở con cháu mai sau nhớ và tự hào về văn hoá truyền thống.

NAM VIÊN ZEN ART:

  • Đơn vị thiết kế, thi công, phục dựng kiến trúc nhà gỗ Việt Nam – Nhật Bản – Hàn Quốc – Trung Quốc
  • Tư vấn, sản xuất Nội thất đồ thờ – Cảnh quan sân vườn.

Trụ sở chính Nam Viên Phủ: Tiên Phương – Chương Mỹ – Hà Nội

Địa chỉ văn phòng miền Bắc: Biệt thự Số 06A – Licogi 13 – 164 Khuất Duy Tiến – Thanh Xuân – Hà Nội.

Địa chỉ văn phòng miền Nam: 275/8 Lý Thường Kiệt – Phường 15 – Quận 11 – TP Hồ Chí Minh

Địa chỉ xưởng gỗ: Xóm Đông – Đông Trúc – Thạch Thất – Hà Nội

Địa chỉ xưởng đá mỹ nghệ: Đường đài Loan – Tân Dưỡng 1 – Ninh Vân – Hoa Lư – Ninh Bình

Địa chỉ xưởng sản xuất nội thất đồ thờ: Làng nghề Sơn Đồng – Hà Nội

Đia chỉ xưởng sản xuất nội thất đồ gỗ xưa và nay: Đồng Kị – Từ Sơn – Bắc Ninh

Hotline: 037 989 1288

Website: www.namvienzenart.vn

Facebook: https://www.facebook.com/namvienzenart

 

 

Add Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Đăng ký
Để nhận ưu đãi

Để nhận ưu đãi

error: Content is protected !!